Phẫu thuật thay khớp gối được chỉ định cho những trường hợp tổn thương hư hỏng khớp gối nặng do bệnh lý thoái hóa khớp hoặc 1 vài nguyên nhân khác. Có thể hiểu đơn giản 1 chút là phẫu thuật thay khớp gối là cắt bỏ các phần đầu xương bị hư hỏng và bọc lại bằng vật liệu nhân tạo để bảo vệ, tránh không cho các đầu xương tiếp xúc trực tiếp với nhau khi đi lại để tránh đau đớn, đồng thời sửa chữa lại các biến dạng của khớp và trục chi.
Về giải phẫu, cấu trúc của khớp gối do 3 xương hợp lại với nhau: đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chầy và xương bánh chè. Chuyển động của khớp gối khá phức tạp đòi hỏi sự phối hợp hài hòa của cả 3 cấu trúc giải phẫu trên. Việc thay khớp gối về cơ bản là thay phần mặt khớp đầu dưới xương đùi (lồi cầu đùi), phần mặt khớp đầu trên xương chầy (mâm chầy) và mặt khớp xương bánh chè. Sự thay thế của mỗi phần của khớp nhân tạo đòi hỏi phải đạt được 2 yếu tố cơ bản: 1 là đảm bảo được liên quan giữa phần mặt khớp nhân tạo và phần thân xương tức là đảm bảo được yếu tố giải phẫu 3 chiều của phần đó. Ví dụ: phần lồi cầu đùi nhân tạo phải đảm bảo được các yếu tố như góc nghiêng so với thân xương theo chiều trước sau, trong ngoài, góc xoay so với trục cơ thể; 2 là đảm bảo được mối quan hệ bình thường giữa các phần khớp thay thế như quan hệ giữa bánh chè và lồi cầu đùi, lồi cầu đùi và mâm chầy nhân tạo. Nếu không đảm bảo được các yếu tố đó thì kết quả phẫu thuật không đạt được mức cao nhất mà thậm chí có thể còn kém đi.
Trong 2 yếu tố nêu trên, khả năng đạt được chính xác của yếu tố thứ nhất dễ dàng hơn nhờ các dụng cụ định vị phẫu thuật nhưng yếu tố thứ hai thì khá khó khăn, đòi hỏi kinh nghiệm cũng như hiểu biết của phẫu thuật viên. Đó là bởi vì vai trò rất quan trọng của sự cân bằng phần mềm trong phẫu thuật thay khớp gối.
Trong các mối liên quan giữa các phần khớp nhân tạo với nhau thì mối liên quan giữa lồi cầu đùi và mâm chầy nhân tạo rất quan trọng. Chuyển động của mâm chầy quanh lồi cầu đùi khi bệnh nhân vận động giống như chuyển động tròn, yếu tố quan trọng giúp vận động gối ổn định là khoảng cách giữa mâm chầy và lồi cầu đùi không thay đổi cả khi gấp và khi duỗi. Khoảng cách này càng cân bằng ở các vị trí vận động của gối thì kết quả phẫu thuật càng cao.
Mục tiêu cuối cùng của phẫu thuật là giống nhau nhưng dựa trên những xuất phát điểm khác nhau mà hình thành nên 2 nguyên lý phẫu thuật khác nhau. Đó là kỹ thuật cắt xương chuẩn (measured resection technique) và kỹ thuật cân bằng khoảng cách (balancing gap technique).
Kỹ thuật cắt xương chuẩn sẽ ưu tiên cắt xương chuẩn theo giải phẫu của từng xương trước sau đó cân bằng phần mềm để tạo cân bằng khoảng cách. Về cơ bản, kỹ thuật này dễ thực hiện do các dụng cụ định vị dựa trên các mốc xương nên dễ đạt được độ chính xác cao, đặc biệt là ở những bệnh nhân mà biến dạng khớp chưa nhiều. Nếu khớp biến dạng hoặc các mốc xương để định vị có sự thay đổi thì việc cắt xương có thể không chính xác theo yêu cầu.
Kỹ thuật cân bằng khoảng thì thực hiện cắt các lát cắt xương cơ bản trước (thường là lát cắt mâm chầy và lát cắt xa lồi cầu đùi) sau đó tiến hành cân bằng phần mềm và cắt các lát cắt tiếp theo của lồi cầu đùi dựa trên sự cân bằng các khoảng cách khi đo đạc. Kỹ thuật này lấy sự ưu tiên là sự cân bằng khoảng cách trước và thực hiện cắt xương theo ưu tiên này. Kỹ thuật này đòi hỏi kinh nghiệm của phẫu thuật viên nhiều hơn vì nếu giải phóng phần mềm không đủ hoặc nhiều quá thì có thể làm cho cân bằng khoảng cách không chuẩn.
Đa số các hệ thống hỗ trợ định vị thay khớp gối hiện nay dựa trên kỹ thuật cắt xương chuẩn. Tuy nhiên dù các thực hiện theo kỹ thuật nào thì mục đích cuối cùng vẫn phải là đạt được 2 yếu tố: cắt xương chuẩn và cân bằng khoảng. Với những trường hợp đơn giản, khớp chưa biến dạng nhiều thì chỉ cần làm tốt 1 yếu tố thì sẽ đạt được yếu tố thứ hai nhưng với những trường hợp biến dạng nhiều thì không phải luôn luôn như vậy. Trong những trường hợp như vậy, các phẫu thuật viên có kinh nghiệm sẽ thực hiện phối hợp đồng thời cả 2 nguyên tắc kỹ thuật và được gọi là kỹ thuật phối hợp (combined measured resection technique).
Bên cạnh đó, để làm tăng sự chính xác của kỹ thuật phẫu thuật, ngày nay, có thêm nhiều phương pháp hỗ trợ khác như sử dụng robot hay định vị vệ tinh (navigation) tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ đó không thể thay thế con người mà chỉ giúp cho phẫu thuật đạt được độ chính xác cao hơn. Vấn đề quan trọng vẫn phải là nắm vững hiểu biết bệnh lý, giải phẫu sinh lý và kỹ thuật điều trị.
TS Trần Trung Dũng (tổng hợp)